Thị trường chứng khoán chìm trong 'chảo lửa' ngay khi mở phiên giao dịch đầu tuần 7-11. Đáng chú ý, hàng loạt cổ phiếu ngành bất động sản bị nhà đầu tư bán tháo, giảm sàn.
Sắc đỏ giảm điểm bao trùm toàn bộ sàn giao dịch chứng khoán ngay từ những phút đầu tiên của phiên giao dịch hôm nay. Chỉ số VN-Index sụt giảm mạnh, càng lúc càng xa vùng 1.000 điểm.
Đáng chú ý, cổ phiếu ngành bất động sản trở thành tâm điểm của dòng tiền bị nhà đầu tư rút ra, chiếm tỉ trọng áp đảo về số lượng mã bị giảm sàn.
Trong đó mã NVL (Novaland) đứng đầu trong top 10 cổ phiếu khiến chỉ số chứng khoán của sàn TP.HCM (HoSE) bị áp lực giảm sâu. Chỉ riêng phiên sáng đã có hơn 11 triệu cổ phiếu NVL nằm trong tình trạng dư bán - được chào bán nhưng chưa có người mua.
Trong một diễn biến khác, mới đây Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Nova Saigon Royal - công ty con của Novaland - cũng công bố kết quả chào bán lô trái phiếu NSRCH2223002, với không trái phiếu nào được chào bán thành công.
Cũng trong phiên, hàng loạt cổ phiếu khác thuộc ngành bất động sản cũng bị nhà đầu tư ồ ạt đặt lệnh bán, khiến chỉ số chứng khoán của thị trường chung lao dốc như DIG (Đầu tư phát triển xây dựng), DXG (Đất Xanh), KDH (Nhà Khang Điền), NLG (Nam Long), QCG (Quốc Cường Gia Lai), VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), HDG (Hà Đô)....
Hàng loạt mã chứng khoán của doanh nghiệp bất động sản bị giảm giá sàn trong phiên 7-11 - Ảnh chụp màn hình
Song song đó, thị trường chứng khoán còn bị áp lực đè nặng bởi diễn biến không thuận lợi ở các cổ phiếu có vốn hóa lớn như MWG (Thế giới di động), MBB (MBBank), HPG (Hòa Phát), TCB (Techcombank), EIB (Eximbank), CTG (VietinBank)...
Dù không chiếm ưu thế, nhưng việc các cổ phiếu VNM (Vinamilk), GAS (PetroVietnam Gas), SAB (Sabeco), ACB (Ngân hàng Á Châu), PNJ (Vàng bạc đá quý Phú Nhuận), DPM (Đạm Phú Mỹ) vẫn lội ngược dòng và ghi nhận tăng trưởng đáng kể cũng góp phần giúp kìm hãm phần nào đà giảm của thị trường.
Hiện tại nhà đầu tư đang bán mạnh các cổ phiếu ngành bất động sản, công nghiệp, hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu và tài chính, với mức âm từ 3-5%. Chỉ số các ngành như chăm sóc sức khỏe, năng lượng, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng thiết yếu cũng bị giảm, song tạm thời âm dưới 1%.
Chỉ sau vài tiếng giao dịch, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 23, lùi về vùng 974 điểm, sau đó tiếp tục giằng co.
Dự báo về thị trường, bộ phận phân tích chiến lược của Chứng khoán SSI cho biết chỉ số VN-Index có thể kiểm lại vùng kháng cự quan trọng 1.000 điểm trong tuần này. Tuy nhiên, chỉ số có thể vẫn cần thời gian để tìm điểm cân bằng do cung có thể gia tăng trở lại sau ngày đẩy mạnh mua vào của các quỹ ETF. Vùng hỗ trợ gần trên chỉ số này là 989 - 968 điểm.
Về góc nhìn kỹ thuật, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng tại khung đồ thị tuần, chỉ báo MACD (phản ánh biến động và cung cấp tín hiệu mua bán của thị trường) vẫn đang hướng xuống tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy trung hạn. Bên cạnh đó, nhịp điều chỉnh đang diễn ra, nhiều khả năng sẽ chưa thể nhanh chóng kết thúc.
Theo công ty chứng khoán này, nếu chỉ số VN-Index xuyên thủng vùng đáy được tạo tuần trước, thì sẽ có xác suất hướng về vùng 900 điểm.
"Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục chủ động chốt lời ngắn hạn nhiều hơn và nâng cao tỉ trọng tiền mặt để bảo toàn vốn, kiên nhẫn quan sát chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường và hạn chế việc bắt đáy sớm", Chứng khoán Vietcombank cho hay.